Nơi chia sẻ và tổ chức triển khai các hoạt động công tác xã hội
cho các cá nhân, gia đình, nhóm và cộng đồng.

“Gieo” chữ giữa trùng dương

Thứ tư - 22/06/2011 07:57

“Gieo” chữ giữa trùng dương

Lần đầu tiên ra Trường Sa, với tôi cái gì cũng mới mẻ, cũng đáng quý và bất ngờ. Cuộc sống trên đảo, nhất là các đảo nổi cây lá xanh tươi, con người thật gần gũi khác xa với những gì chúng tôi tưởng tượng. Bất ngờ và thú vị nhất giữa vùng sóng gió này là gặp những em thiếu nhi và một cô giáo nhỏ nhắn đầu tiên vượt nghìn trùng ra đây “gieo” chữ

 

 

  

Gặp những công dân mới trên đất đảo

Một thế hệ tương lai như những mầm chồi non đang hé nụ, xanh mầm dưới sắc nắng rực vàng và được tắm trong sóng gió trùng dương tràn trề sức sống trườn ra giữa Biển Ðông! Thế hệ mới của đảo Trường Sa đang được cô giáo trẻ Bùi Thị Nhung góp công ươm mầm…

Vừa bước chân lên đảo Trường Sa Lớn trong cái nắng tháng năm vàng rực, một đàn trẻ thơ mặt mày đen trũi ùa ra hớn hở. Các cô, các cậu bé cứ bám riết từng người, chạy nhảy, reo hò, bắt tay ríu rít. Rảo mắt một lượt trên sân bay thoáng rộng của đảo có gần 10 em phần lớn từ 7 - 10 tuổi. Dù hãy còn trẻ thơ nhưng trông gương mặt các em sớm sạm nắng gió của những công dân quen sống giữa vùng đất vốn nhiều bão giông.

Biết có các hộ dân đang sinh sống trên đảo, tôi hồ hởi tìm đến thăm. Một dãy nhà xây kiên cố, xung quanh um tùm cây cối; xen lẫn bên những tán bàng quả vuông, phi lao cao vút là những dừa, chuối, mít, xoài… đu đưa quả ngọt. Một làng chài ven biển nào đó trên đất liền chứ đâu phải ở nơi sóng gió Trường Sa? Tôi loay hoay chẳng biết vào nhà số mấy (các nhà đều đánh số thứ tự) thì một ngư dân to lớn, khỏe mạnh, trông “chắc nụi” ra tận ngõ chào hỏi mời vào nhà chơi. Chủ nhà giới thiệu: anh là Nguyễn Xuân Yên (sinh 1969) và vợ là Trần Thị Hoa (1968) đều là người gốc Bình Định. Anh Yên cho biết, tất cả các gia đình hiện đang sinh sống tại đảo Trường Sa Lớn trước đây đều sống ở thị xã Cam Ranh (Khánh Hòa). Hưởng ứng Chương trình tình nguyện xây dựng đảo, các gia đình đăng ký ra đây sinh sống cùng một ngày. Cùng quê cũ, cùng đi lập nghiệp nơi đầu sóng ngọn gió nên các gia đình ở Trường Sa đều sống rất gần gũi và chan hòa tình yêu thương. Hỏi bất cứ ai trong các hộ dân ở đây cũng đều trả lời vanh vách tên họ từng người và tên từng cháu nhỏ: đó là bé Nguyễn Thị Trà My (10 tuổi, học lớp 4) và Nguyễn Thị Minh Nguyệt (7 tuổi, học lớp 1) là con của anh Nguyễn Tấn Thi; đó là bé Nguyễn Thị Mỹ Sen (9 tuổi, học lớp 3) và cậu em Nguyễn Chinh  Sy (7 tuổi, học lớp 1) là con của anh Nguyễn Xuân Yên… Anh Nguyễn Tấn Thi, Tổ trưởng dân phố thị trấn Trường Sa Lớn tâm sự, khi mới ra đây sinh sống, các hộ gia đình đều đưa các con theo để tiện chăm sóc, dạy dỗ nên số trẻ em trên đảo khi đó gần 20 cháu. Về sau, số cháu học hết lớp 4 đều được cha mẹ gửi về đất liền để học lên tiếp. Trường Sa Lớn hiện chưa có trường THCS và giáo viên cấp II do vậy số trẻ chỉ còn khoảng 10 cháu đang sống với cha mẹ và học tập tại đây. Anh Võ Văn Trường và chị Nguyễn Thị Hạnh có 3 con, thì 2 con lớn (một cháu học lớp 9 và một cháu học lớp 6) đã đưa về Cam Lâm sống với ông bà nội để ăn học…

Lớp học “5 trong 1”

Đang dạy lớp 4 tại Trường tiểu học Suối Cát, huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) và sinh sống cùng chồng với con gái đầu 3 tháng tuổi, được tin có Chương trình tình nguyện tham gia xây dựng đảo Trường Sa; đặc biệt khi biết ở Trường Sa trẻ em không có giáo viên dạy học làm cô giáo Bùi Thị Nhung (sinh 1981) hoài trăn trở. Và rồi, cô giáo trẻ đã bàn với chồng và thuyết phục gia đình nội, ngoại, người thân để lên đường ra đây sinh sống, công tác. Điều làm cô giáo Nhung thao thức và quyết tâm tình nguyện xin ra Trường Sa nhận nhiệm vụ vì cô biết nhiều hộ dân ra đây đều là nông dân và mang theo con nhỏ đang tuổi đến trường. “Bỏ chúng thất học tội nghiệp lắm. Cháu là giáo viên nên ở đâu có các em học sinh (HS) cần giáo viên, cháu phải đến dạy chữ cho các em…!” - câu nói của cô giáo Nhung đã thuyết phục lãnh đạo huyện Cam Lâm để rồi cô được đồng ý ra Trường Sa công tác. Anh Đặng Thanh Chương - chồng cô giáo Nhung (công nhân Công ty Cát Trắng Cam Ranh) là một người rất yêu thương, biết chia sẻ và tôn trọng vợ. Anh kể lại: “Lúc đầu nghe vợ nói ra Trường Sa, tôi tưởng vợ nói… đùa, nhưng sau biết vợ quả quyết, tôi đã tôn trọng và ủng hộ quyết định của vợ. Bản thân tôi đã từng là một người lính, không sợ khổ chỉ ngại vợ con chịu không nổi... ”. Còn bạn bè, gia đình nội, ngoại khi biết chuyện không ngăn cản mà chỉ dặn dò: “Đã đi thì phải sống hết mình nơi quê hương mới”.

  

Niềm vui của cô và trò lớp học “5 trong 1”

Những ngày đầu ra đảo sinh sống và công tác, cô giáo Nhung gặp rất nhiều khó khăn. Sau những tháng đầu dùng nhà ở của gia đình mình (được cấp) để mở lớp bắt đầu “gieo” chữ và rồi lớp được chuyển sang học tại Nhà văn hóa thị trấn. Một lớp học đặc biệt mà chỉ ở Trường Sa mới có - “lớp học 5 trong 1”. Lớp học của cô giáo Nhung chỉ có 10 HS học từ mẫu giáo đến lớp 4. Để tiện việc dạy học ở một lớp học đặc biệt, 2 đầu phòng học được kê 2 tấm bảng đen, bàn ghế xếp vuông 4 góc nhìn vào trong và cô giáo đứng ở giữa; mỗi bàn là một lớp; buổi sáng, cô giáo Nhung dạy các lớp mẫu giáo và lớp 1; buổi chiều dạy các lớp 2, 3, 4. Riêng mẫu giáo có 6 cháu được chia ra 3 lớp (Mầm, Chồi, Lá). Dù mỗi lớp chỉ một vài HS, nhưng cô Nhung đều soạn giáo án và dạy theo quy định của Bộ GD&ĐT (chỉ môn thể dục là không phải soạn giáo án). Mỗi buổi lên lớp, cô giáo Nhung loay hoay đi tới, đi lui: lúc quay bên này tập cho các cháu mẫu giáo nhỏ đánh vần, khi quay bên kia bày cho các cháu lớp 1 làm toán… Thậm chí phải dỗ dành các cháu nhỏ bị các anh chị bắt nạt khóc giữa lớp. Những ngày thứ bảy, chủ nhật không lên lớp, cô giáo Nhung “kiêm” luôn công việc giữ trẻ  và còn được tín nhiệm giao làm Tổ trưởng phụ nữ thị trấn… Từ ngày có lớp học, thị trấn Trường Sa như vui hẳn lên bởi tiếng ê a học bài và tiếng nói cười nô đùa hồn nhiên của trẻ. Cô giáo Nhung tập cho các em đánh vần, làm toán, viết những con chữ đầu tiên vào cuốn vở thơm tho và tập cho các em hát những bài ca “Đảo là nhà, biển là quê hương…”. Anh Võ Văn Trường thổ lộ, khi đưa gia đình và con cái ra Trường Sa sinh sống những tưởng các cháu thất học mất, nhưng giờ thì yên tâm rồi. Anh nói tiếp, nếu mở thêm trường cấp II chắc sẽ còn nhiều gia đình từ đất liền ra Trường Sa sinh sống, ít ra các cháu ở đây được học lên tiếp mà không phải về đất liền…

Dù cuộc sống, lao động và học tập của cô trò lớp học “5 trong 1” giữa trùng khơi còn gặp những khó khăn, bất cập, nhưng các em được nuôi dạy khá tốt; cuối mỗi học kỳ, năm học, đa số HS của cô giáo Nhung đạt HS khá, giỏi. Một trường học chỉ có 10 HS, một cô giáo “kiêm hiệu trưởng” và “kiêm” luôn bà giữ trẻ với những công việc miệt mài thầm lặng đã đóng góp đáng trân trọng trong sự nghiệp “trồng người” giữa đảo xa. Đầu tháng 1/2011 vừa qua, cô giáo trẻ Bùi Thị Nhung vinh dự được kết nạp vào Đảng. Tại lễ tuyên thệ, cô Nhung đã xúc động bật khóc…Và, giữa tháng 5 này, gia đình cô giáo Nhung vui mừng đón thêm một công dân mới - cô sinh bé trai thứ hai. Một gia đình trẻ cùng với nhiều gia đình khác và những đứa trẻ đang làm cho Trường Sa từng ngày sinh sôi, tràn trề sức sống mới…!

Tác giả bài viết: Bài và ảnh Thanh Dương Hồng

 Từ khóa: n/a

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá

Click để đánh giá bài viết

  Ý kiến bạn đọc

SỞ LAO ĐỘNG THƯƠNG BINH XÃ HỘI PHÚ YÊN
TRUNG TÂM CÔNG TÁC XÃ HỘI
Số 54 Nguyễn Thái Học - Phường 5 - TP.Tuy Hòa - Phú Yên 
Điện thoại: 0257. 389 0000 - Email: ttcongtacxahoipy@gmail.com 
Giấy phép cấp số: 86/GP-TTĐT Hà Nội, ngày 29 tháng 4 năm 2011

Copyrights © 2010 - 2018 Vì Trẻ Thơ Phú Yên. Design by Thiết kế web tại Phú Yên Powered by PYS Việt Nam
Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây