Các trò chơi điện tử giờ đây đã trở nên quá phổ cập tại nhiều quốc gia trên thế giới. Mọi trẻ em đều ngóng đợi từng ngày để được chơi những tựa game mới nhất và thưởng thức công nghệ hiện đại nhất mà mình yêu thích. Tuy nhiên, có phải ai trong chúng ta đều biết rằng các trò chơi điện tử tác động rất nhiều đến việc hình thành trí não của trẻ?
Chẳng hạn, những trò có tiết tấu nhanh, di chuyển nhiều đòi hỏi trẻ phải suy nghĩ rất tốc độ. Điều này sẽ đẫn đến 2 con đường mà trẻ em có thể gặp phải. Thứ nhất, game sẽ khiến trẻ em suy nghĩ và giải quyết vấn đề một cách nhanh hơn khi nó góp phần hình thành phản xạ. Tuy nhiên, mặt trái là dần dần trẻ sẽ cảm thấy mọi việc ngoài đời thực đang diễn ra quá chậm và hệ lụy cuối cùng là thế giới thực này trở nên quá nhàm chán.
Đã có rất nhiều luồng ý kiến cho rằng nếu thường xuyên chơi những game có nội dung hành động mang xu hướng bạo lực, các game thủ "nhí" sẽ trở nên hiếu thắng và cục cằn hơn so với những trẻ em bình thường. Vì vậy, các bậc cha mẹ cần nghiêm khắc giám sát những thể loại video game mà con đang chơi. Hiển nhiên rằng, trẻ em sẽ không bao giờ có thể sa đà quá mức vào trò chơi điện tử và bị ảnh hưởng đến sự phát triển nếu chúng được cung cấp một nhận thức đúng đắn.
Một vấn đề khác nảy sinh là khi trẻ bị cấm đoán, chúng sẽ tìm mọi cách để có thể chơi game. Lúc này, Internet chính là lời giải và thế giới rộng lớn của mạng Internet cũng chính là thủ phạm đưa trẻ tiếp xúc nhiều hơn với các game bạo lực cũng như những quan điểm "lệch lạc" về trò chơi điện tử.
Một thử thách khiến hầu hết những trẻ nghiện game cảm thấy rất khó khăn để vượt qua là phải ngồi yên trong một khoảng thời gian bởi chúng đã quá quen với những chuyển động liên tục trong game. Điều này thực sự là vấn đề khi trẻ đến trường, một môi trường nặng tính kỷ luật. Trẻ không muốn bó buộc mình vài tiếng đồng hồ ở trường, phải lắng nghe bài học mà chỉ muốn được tự do đi lại trong những môi trường giả lập hoặc không gian tưởng tượng.
Không những thế, các trò chơi điện tử còn ảnh hưởng đến sức khỏe của trẻ. Một khi quá tập trung chơi game và hòa mình vào thế giới ảo trong các trò chơi điện tử, trẻ em sẽ trở nên ì trệ và lười vận động. Béo phì và giao tiếp xã hội hạn chế là những ảnh hưởng xấu trực tiếp nhất có thể thấy được từ video game. Tuy nhiên, tác hại này chỉ sinh ra khi trẻ em quá "nghiện" và chìm hẳn vào thế giới của trò chơi điện tử. Do đó, các nhà khoa học khuyên rằng trẻ em chỉ nên chơi game ít hơn hai tiếng mỗi ngày.
Gần đây, người ta thường hay nói đến việc thu hẹp khả năng tập trung của trẻ như một tác hại của video game. Khi chơi game, trẻ không còn tâm trí nào cho bất kể điều gì xung quanh. Nhiều trẻ còn không thể tách bạch được hai thế giới: thực và ảo. Tập trung chơi game, trẻ sẽ ngồi hàng giờ đồng hồ, chỉ đến khi phá đảo 1 game mới thôi, như vậy, một ngày trẻ sẽ có ít tiếng hơn để ngủ. Và hậu quả dễ thấy là ngày hôm sau khi đến trường trẻ sẽ không được tỉnh tảo và minh mẫn để tiếp thu kiến thức.
Ngoài ra, nhiều trẻ sẽ đồng tình rằng chơi game hay hơn và hấp dẫn hơn đi học nhiều vì thế chúng không quan tâm đến bài vở, không thích trường lớp. Điều đó kéo theo một bảng điểm sa sút.
Ảnh hưởng của việc trẻ em tiếp xúc video game từ sớm và bị biến thành những “con nghiện” là điều có thể nhìn thấy rất rõ. Sức khỏe thể chất và sức khỏe tinh thần của trẻ hoàn toàn có thể bị xuống cấp nếu trẻ dành quá nhiều thời gian cho game. Trẻ sẽ mất dần khái niệm về thế giới thực, lãng quên những hoạt động vui chơi bổ ích và không còn quan tâm tới việc học. Bố mẹ mua video game cho con để con được giải trí, được vui chơi nhưng lợi ích của chúng cần được đặt lên trên hết.
Bởi trẻ em phải được suy nghĩ, suy nghĩ phê phán và biết cách nhìn nhận các vấn đề xung quanh. Quan trọng hơn, chúng phải được học cách phản ứng và xử sự cho đúng ngoài xã hội, chứ không phải trong thế giới ảo của game.